Trang chủ Tin tức 55% dân số sẽ mua sắm online?

55% dân số sẽ mua sắm online?

Với quy mô hơn 10 tỉ USD, giá trị mua sắm online 225 USD/người và tốc độ tăng trưởng ổn định 30%/năm giai đoạn 2016 – 2020, thương mại điện tử Việt Nam có thể đạt doanh số 35 tỉ USD và giá trị mua sắm online đạt 600 USD/người vào năm 2025.

55% dân số sẽ mua sắm online? - Ảnh 1.

Shipper giao hàng mua online cho khách tại một cao ốc văn phòng ở quận 1, TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông Đặng Hoàng Hải – cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương) – khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về kế hoạch phát triển thương mại điện tử (TMĐT) giai đoạn 2021 – 2025, vừa được Chính phủ ban hành, trong đó đặt mục tiêu đến năm 2025 có 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến với giá trị mua hàng 600 USD/người/năm, doanh số thương mại điện tử có thể đạt 35 tỉ USD.

* Những mục tiêu này liệu có trở thành hiện thực khi thói quen thanh toán bằng tiền mặt vẫn còn phổ biến, chưa kể người dùng vẫn chưa an tâm với chất lượng hàng hóa…?

– Giai đoạn 2016 – 2020, thị trường thương mại điện tử của Việt Nam luôn tăng trưởng ổn định lên tới 30%/năm, với quy mô 10 tỉ USD, chiếm 4% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. 

Đến nay, đã có 44,8 triệu người tham gia mua sắm trực tuyến, tăng mạnh so với con số 30,3 triệu người vào năm 2015, với giá trị mua sắm trực tuyến là 225 USD/người/năm.

Với xu hướng tăng trưởng đều về người dùng Internet, về xu hướng áp dụng công nghệ số hóa trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tôi cho rằng giá trị mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến có thể đạt mức 600 USD/người trong 5 năm tới và doanh số thương mại điện tử cũng có thể đạt được mức 35 tỉ USD.

Ngoài ra, mục tiêu 70% các giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử cũng hoàn toàn có khả năng. 

Hóa đơn điện tử là giải pháp mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Việc chuyển đổi từ sử dụng hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử là yêu cầu tất yếu của một hệ thống thương mại hiện đại, minh bạch.

* Thực tế cho thấy vẫn có tới 80% người mua hàng online sử dụng hình thức thanh toán COD (trao hàng trả tiền), thưa ông?

– Dù hạ tầng thanh toán đã hoàn thiện, theo thống kê trong giai đoạn 2016 – 2019 cho thấy 80% người dân được khảo sát ưu tiên lựa chọn thanh toán bằng tiền mặt khi giao dịch. Một trong những nguyên nhân là do người tiêu dùng còn thiếu lòng tin khi mua hàng. Bởi còn những bất cập khi tình trạng lừa đảo qua mạng, ngại tiếp cận công nghệ mới của người tiêu dùng…

Do đó, cùng với việc thành lập tổ công tác chuyên trách về thương mại điện tử do Tổng cục Quản lý thị trường trực tiếp thực hiện, các sàn thương mại điện tử cũng đã ký cam kết với Cục Thương mại Điện tử và kinh tế số tham gia chương trình Nói không với hàng giả trong thương mại điện tử.

Với hoạt động này, chúng tôi sẽ chủ động phát hiện, đấu tranh ngăn chặn kịp thời việc lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, phát triển bền vững. Cục cũng đã tổ chức lễ khai trương hệ thống quản lý và giải quyết phản ánh, khiếu nại, tranh chấp trực tuyến trong thương mại điện tử.

* Với việc các sàn thương mại điện tử tham gia “nói không với hàng giả” và vận hành hệ thống giải quyết khiếu nại, kết quả đạt được ra sao?

– Tính đến tháng 12-2019, sau khi ký cam kết, có 23.751 gian hàng với 265.935 sản phẩm đã được kiểm tra, rà soát và xử lý vi phạm. Trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, khi rà soát các sản phẩm hàng hóa phục vụ phòng dịch, chúng tôi tập trung vào kiểm tra, rà soát việc niêm yết giá, ngăn chặn, loại bỏ các sản phẩm, gian hàng vi phạm và các hành vi gian lận như nâng giá bán, nâng giá vận chuyển.

Còn từ đầu mùa dịch đến tháng 5-2020, các sàn đã xử lý, gỡ bỏ tổng cộng khoảng 17.400 gian hàng và khoảng 34.600 sản phẩm khẩu trang/khẩu trang y tế và dung dịch/gel rửa tay khô vi phạm. Với những doanh nghiệp tham gia, đã triển khai các biện pháp chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng như đăng tải logo Nói không với hàng giả trên các sàn. Xây dựng và đăng tải trên trang chủ website quy trình tiếp nhận, xử lý phản ánh, khiếu nại về hàng giả.

Các sàn cũng đã triển khai các biện pháp kỹ thuật như có bộ lọc, từ khóa, tăng thêm nhân sự nhằm ngăn chặn, loại bỏ và xử lý các sản phẩm vi phạm trên website và ứng dụng. Xây dựng cơ chế kiểm soát riêng như rà soát danh mục hàng hóa mà người bán dự kiến kinh doanh, kiểm tra nguồn gốc sản phẩm qua hợp đồng, hóa đơn, đưa một số hàng hóa/sản phẩm vào danh sách kiểm soát đặc biệt… 

Khi có phản ánh, khiếu nại hoặc có phản hồi từ cơ quan chức năng, nhiều sàn chủ động kiểm tra, xác minh, rà soát, gỡ bỏ khỏi website, ứng dụng và thu hồi các sản phẩm/hàng hóa vi phạm.

* Nhưng tình trạng các gian hàng bán hàng giả, kém chất lượng vẫn tồn tại phổ biến, thưa ông?

– Có khó khăn trong công tác chống hành vi gian lận, vi phạm sở hữu trí tuệ khi các sàn đều cho rằng không có đủ năng lực, thẩm quyền để xác định hàng giả theo quy định của pháp luật.

Trong khi đó, quy định của pháp luật về mức phạt đối với doanh nghiệp có hàng hóa/sản phẩm có dấu hiệu hàng giả chưa đủ sức răn đe. Cụ thể, mức phạt theo Luật thương mại là không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm. Đây là những vấn đề mà chúng tôi cần hoàn thiện khi xây dựng cơ chế chính sách cho quản lý, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử trong thời gian tới.

55% dân số sẽ mua sắm online? - Ảnh 2.

Nhân viên giao nhận lấy hàng trong kho ở Nhà Bè, TP.HCM để mang đi giao cho khách đặt mua online – Ảnh: T.T.D

Nhiều nguy cơ về an ninh mạng

Dù đã 3 năm kể từ khi mã độc tống tiền ransomware Wannacry tấn công hàng ngàn hệ thống công nghệ thông tin trên toàn cầu, dữ liệu từ Hãng bảo mật Kaspersky cho thấy mã độc này vẫn còn là mối đe dọa, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam). Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm 2020, có tổng cộng 269.200 cuộc tấn công ransomware vào những doanh nghiệp có quy mô 20 – 250 nhân viên.

Một khảo sát gần đây do Kaspersky thực hiện cũng cho thấy 40% người dùng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương bị truy cập thông tin cá nhân trái phép. Trong khi đó, hơn 50% người dùng trong khu vực cho biết sự lo lắng khi giao dịch trực tuyến cũng ngang với nỗi lo an toàn trong cuộc sống hằng ngày. Các báo cáo đều nhận định TMĐT càng phát triển cũng tỉ lệ thuận với sự gia tăng nguy cơ an ninh mạng cho doanh nghiệp lẫn người dân. Đó là thách thức vô cùng lớn cho các doanh nghiệp và nhà nước trong việc đảm bảo an toàn khi xây dựng hạ tầng TMĐT tại Việt Nam.

* Ông Trần Công Quỳnh Lân (phó tổng giám đốc VietinBank):

Có thể thanh toán online cho mọi nhu cầu

VietinBank đang đẩy mạnh phát triển ứng dụng digital lifestyle VietinBank iPay. Với VietinBank iPay, khách hàng có thể thực hiện tất cả giao dịch tài chính qua mobile mọi lúc mọi nơi.

Chúng tôi cũng kết hợp với các công ty fintech, các ứng dụng mobile khác để tạo một hệ sinh thái kết nối giúp khách hàng có thể thực hiện nhiều giao dịch tiện ích khác phục vụ đời sống hằng ngày như mua sắm online, mua hàng siêu thị online, đặt vé máy bay, đặt phòng khách sạn, mua vé xem phim, mua bảo hiểm du lịch, bảo hiểm sức khỏe…

Đặc biệt, VietinBank cũng đẩy mạnh công nghệ QR code, giúp khách hàng có thể dùng điện thoại di động để thanh toán ở rất nhiều cửa hàng một cách thuận tiện. Trong tháng 5-2020, chúng tôi còn đưa ra tiện ích giúp khách hàng có thể dùng VietinBank iPay và QR code để rút tiền tại ATM mà không cần thẻ, nếu khách hàng thật sự cần dùng tiền mặt.

* Ông Nguyễn Minh Tâm (phó tổng giám đốc Sacombank):

Nhiều ưu đãi hấp dẫn cho giao dịch online

Doanh số thanh toán TMĐT có tốc độ tăng cao trong những năm qua. Chẳng hạn với Sacombank, trong 4 tháng đầu năm nay, dù ảnh hưởng dịch bệnh, doanh số thanh toán TMĐT vẫn tăng 35% so với cùng kỳ 2019 và chiếm 35% tổng số thanh toán bình quân tháng.

Sacombank đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các dịch vụ cho TMĐT như: cổng thanh toán thẻ kèm tính năng 3D secure, tăng bảo mật cho các giao dịch online; dịch vụ “card on file” cho phép lưu trữ thông tin thẻ dưới dạng mã hóa tokenization. Ngoài ra còn có thanh toán QR trên trang TMĐT và đặc biệt là thanh toán mPOS dành cho các shipper nhằm giảm tỉ lệ COD (giao hàng nhận tiền mặt). Chúng tôi cũng cung cấp cổng thanh toán cho hơn 100 đối tác lớn bao gồm các trang TMĐT và ví điện tử.

Sacombank cũng liên tục triển khai các chương trình giảm giá, ưu đãi, quay số trúng thưởng khi giao dịch trên các trang TMĐT nhằm tạo thói quen cho người dùng. Trong sự kiện “Ngày không tiền mặt” năm nay, Sacombank dành ngân sách lên đến 20 tỉ đồng cho các chương trình khuyến mãi, ưu đãi cho người dùng.

* Ông Phạm Tiến Dũng (vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước):

Thay đổi để thúc đẩy thanh toán không tiền mặt

Tổng doanh số giao dịch TMĐT của VN đạt khoảng 12 tỉ USD/năm, chiếm rất nhỏ so với doanh số thanh toán điện tử, thậm chí thấp hơn con số 16 tỉ USD thanh toán điện tử mà Ngân hàng Nhà nước xử lý trong một ngày, chưa kể tỉ lệ giao dịch bằng tiền mặt trong TMĐT hiện chiếm 88%.

Việc đẩy thanh toán điện tử giai đoạn vừa rồi đặt ra vấn đề là kết nối hệ sinh thái số giữa các ngân hàng với các dịch vụ khác như điện, nước, viện phí, học phí, đi du lịch… Trước khi xảy ra dịch Covid-19, chương trình mobile banking của nhiều ngân hàng không có mục đi chợ hộ. Nhưng trong mùa dịch vừa qua, nhiều ngân hàng đã thêm mục đi chợ hộ ở mobile banking.

Khi vào mobile banking, người tiêu dùng có thể mua được mớ rau, cân thịt và ngân hàng không chỉ là người cung cấp dịch vụ ngân hàng mà còn chịu trách nhiệm trước khách hàng về mớ rau, cân thịt, kể cả khâu thanh toán đến khâu giao hàng. Đây là sự đổi mới tích cực của ngân hàng. Điều này cho thấy ngân hàng và doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ, sản phẩm rất nỗ lực để cùng kết nối.

* Ông Nguyễn Ngọc Dũng (phó chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam – Vecom):

Thúc đẩy doanh nghiệp bán hàng online

TMĐT Việt Nam đang phát triển với tốc độ tăng trưởng vào khoảng 30 – 35%, đặc biệt giai đoạn dịch Covid-19 con số tăng lên hơn 40%. Thống kê của các sàn TMĐT ở VN cho thấy số lượng người mua hàng và giao dịch tăng mạnh từ đầu năm đến nay. Số lượng đơn hàng tăng, người mua hàng tăng, riêng số người mua hàng mới tăng đến 40% trong thời gian diễn ra dịch COVID-19.

Trong năm 2020, quy mô thị trường được dự báo tăng mạnh hơn, có thể đạt 13 – 15 tỉ USD. COVID-19 không chỉ là một “phép thử” mà còn là một động lực lớn – động lực chuyển đổi số và thúc đẩy những điều thị trường dự đoán cho tương lai xảy đến nhanh hơn, trong đó có TMĐT. Có thể nói COVID-19 đang thúc đẩy bán hàng trực tuyến nhanh hơn, những doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển bền vững trong nền kinh tế số không thể bỏ qua kênh bán hàng online.

Theo Tuổi trẻ

Tham gia ngay các lớp học tìm hiểu phương pháp vận hành và cách thức tối ưu doanh số cho Nhà Bán trên sàn Tiki tại đây.

Nội dung này có hữu ích với bạn không?

Đánh giá trung bình: 1 / 5. Số lượt đánh giá: 5

Nếu bạn thấy nội dung này hữu ích...

Hãy chia sẻ ngay với bạn bè nhé!

Ôi 🙁

Bạn có thể cho Tiki biết điểm nào khiến bạn chưa hài lòng được không?