Trang chủ Tin tức VECOM: Quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ vượt 15 tỷ USD năm 2020

VECOM: Quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ vượt 15 tỷ USD năm 2020

Năm 2015 Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đã nhận định đây là năm cuối cùng của giai đoạn phổ cập, từ năm 2016 thương mại điện tử Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới với nét nổi bật là tốc độ phát triển nhanh và ổn định.

Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử 2020 do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) vừa công bố cho thấy giai đoạn này có thể kéo dài từ năm 2016 tới năm 2025. Năm 2019, theo khảo sát của VECOM, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử đạt trên 32%. Tốc độ tăng trưởng trung bình (CAGR) cho cả giai đoạn bốn năm 2016 – 2019 khoảng 30%. Quy mô thương mại điện tử bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng năm 2019 đạt khoảng 11,5 tỷ USD. VECOM dự đoán tốc độ tăng trưởng của năm 2020 sẽ tiếp tục duy trì ở mức trên 30%, khi đó quy mô thương mại điện tử Việt Nam sẽ vượt con số 15 tỷ USD.

Theo Báo cáo thương mại điện tử các nước Đông Nam Á năm 2019 của Google, Temasek và Bain&Company, với quy mô ban đầu là 3 tỷ USD năm 2015 nhưng với tốc độ tăng trưởng trung bình tới 38%, quy mô thương mại điện tử bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam năm 2019 đã đạt 12 tỷ USD.

Báo cáo này dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình cho cả giai đoạn 2015 – 2025 là 29%. Khi đó, quy mô thương mại điện tử của Việt Nam sẽ vươn tới ngưỡng 43 tỷ USD và đứng ở vị trí thứ ba trong khối ASEAN. Giá trị tuyệt đối chưa phản ảnh đầy đủ sự năng động và đóng góp của thương mại điện tử đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam so với các nước trong khu vực. Vị trí tương đối đo bằng tỷ trọng của thương mại điện tử so với tổng sản phẩm trong nước sẽ cho ta bức tranh sinh động hơn. Sử dụng thông tin về quy mô thương mại điện tử của Báo cáo trên và GDP của IMF cho giai đoạn tới 2025 cho thấy năm 2019 tỷ trọng này của Việt Nam là 4,6%, cao nhất khu vực.

Xu hướng tới năm 2025 còn mạnh mẽ hơn với quy mô thương mại điện tử của Việt Nam đạt tới 10% GDP, cao hơn tỷ lệ 7,7% của Indonesia là nước cùng Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cho cả giai đoạn ấn tượng nhất. Việt Nam đã thể hiện quyết tâm cao đối với quá trình chuyển đổi số quốc gia và chủ động, tích cực tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Thương mại điện tử đang và sẽ tiếp tục thể hiện là lĩnh vực tiên phong trên hành trình này.

This image has an empty alt attribute

Chỉ số thương mại điện tử những năm qua cho thấy phần lớn hoạt động thương mại điện tử diễn ra ở hai thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh. Hoạt động kinh doanh trực tuyến tại các địa phương khác, bao gồm ba thành phố trực thuộc Trung ương là Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ, còn yếu và có nguy cơ ngày càng tụt lại so với hai thành phố dẫn đầu.

Năm 2019 Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh chiếm 18% dân số nhưng chiếm trên 70% giao dịch thương mại điện tử của cả nước. Điều này có nghĩa là 61 địa phương còn lại chiếm 82% dân số nhưng chỉ đóng góp chưa tới 30% quy mô thương mại điện tử. Đáng chú ý là tỷ trọng 70% này ổn định trong cả giai đoạn 2016 – 2019 và chưa có dấu hiệu thay đổi trong những năm tới.

Thực tế này được phản ảnh khá rõ qua hai chỉ tiêu định lượng. Chỉ tiêu thứ nhất là tỷ lệ doanh nghiệp tại các tỉnh tham gia các sàn thương mại điện tử. Chỉ tiêu thứ hai phản ảnh một trong các hạ tầng Internet liên quan mật thiết với việc triển khai thương mại điện tử, đó là tỷ lệ tên miền quốc gia .VN của mỗi tỉnh so với cả nước. Với chỉ tiêu thứ nhất, khảo sát năm 2019 của VECOM cho thấy có 23% doanh nghiệp ở Hà Nội, 23% ở Tp. Hồ Chí Minh tham gia các sàn thương mại điện tử, trong khi đó chỉ có 15% doanh nghiệp ở các tỉnh khác hiện diện trên sàn. Các tỷ lệ tương ứng của năm 2018 là 18%, 19% và 11%.

Nếu tính riêng khu vực nông thôn thì chỉ có 6% doanh nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử. Không chỉ khác biệt lớn về tỷ lệ doanh nghiệp tham gia sàn mà hiệu quả kinh doanh trên sàn của các doanh nghiệp ở hai thành phố này cao hơn nhiều so với các địa phương. Từ chiều ngược lại, theo thông tin từ một sàn thương mại điện tử hàng đầu hiện nay ở Việt Nam, có tới 39% chủ sở hữu gian hàng ở Tp. Hồ Chí Minh, 31% ở Hà Nội, 61 địa phương khác chỉ có 30% chủ sở hữu gian hàng trên sàn này. Số liệu này không gây ngạc nhiên vì các doanh nghiệp ở hai thành phố này vừa năng động vừa chiếm trên một nửa tổng số doanh nghiệp của cả nước.

Với chỉ tiêu thứ hai, năm 2015 Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh chiếm tới 80% tên miền quốc gia .VN. Trong ba năm 2017 – 2019 tỷ lệ này khá ổn định, năm 2019 hai thành phố này chiếm 77% tên miền quốc gia .VN. Do tên miền quốc gia là một hạ tầng Internet gắn chặt với sự phát triển của thương mại điện tử nên có thể thấy trong những năm gần đây có sự tương đồng rất lớn giữa sự phát triển thương mại điện tử và hạ tầng này của Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh với các địa phương.

Trong Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử 2019, VECOM nhận định muốn thương mại điện tử phát triển nhanh, cân bằng và bền vững nhất thiết phải thu hẹp khoảng cách số giữa Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh với các địa phương khác.

 

Nguồn: Cafebiz.vn / Thảo Nguyên

 

Nội dung này có hữu ích với bạn không?

Đánh giá trung bình: 1 / 5. Số lượt đánh giá: 4

Nếu bạn thấy nội dung này hữu ích...

Hãy chia sẻ ngay với bạn bè nhé!

Ôi 🙁

Bạn có thể cho Tiki biết điểm nào khiến bạn chưa hài lòng được không?

Cùng Tiki review gian hàng của bạn