Thủ thuật tâm lý học trong kinh doanh online

Dù bạn là một cao thủ dày dặn kinh nghiệm bán hàng hay một “tấm chiếu mới” chờ chốt những đơn hàng đầu tiên thì chắc hẳn sẽ có lúc bạn cần sử dụng thủ thuật tâm lý học ứng dụng trong việc kinh doanh online. Đôi khi có những trường hợp khách hàng tiềm năng sắp thực hiện bước mua hàng cuối cùng, nhưng vì một lý do nào đó, họ lại “buông tay”? Hãy để Tiki University bật mí các thủ thuật tâm lý học trong kinh doanh online giúp bạn tăng đơn vèo vèo nhé!

Thủ thuật số 1: Tâm lý học đám đông

Đây là tâm lý khi một cá nhân phân vân không biết lựa chọn cái nào là tốt nhất. Họ sẽ có xu hướng nghe theo lời khuyên của mọi người.

Hiệu ứng này lý giải việc khách hàng thường thích hoặc quyết định mua những sản phẩm có nhiều nhận xét tốt, đánh giá sản phẩm cao, xuất phát từ chính những người đã từng mua và trải nghiệm sản phẩm của gian hàng đó. Những đánh giá này tuy mang tính chủ quan của cá nhân người dùng nhưng luôn có sức ảnh hưởng tới số lượng lớn khách hàng chưa dám thử mua hàng.

Như vậy, nếu sản phẩm của bạn nhiều đánh giá tích cực, nhiều lượt thích và chia sẻ rộng rãi trên các trang mạng xã hội thì sẽ hút một lượng khách hàng lớn đến với gian hàng của bạn.

Thủ thuật số 2: Tâm lý học khan hiếm

Nếu bạn từng bị yêu cầu “đừng mở hộp” khi chưa được cho phép, bạn sẽ càng tò mò và mong muốn được làm điều đó hơn. Đó cũng chính là những gì đang diễn ra hàng ngày trong kinh doanh, khi những thứ “số lượng có hạn” được quảng cáo là sẽ “nhanh hết” hơn, con người hình thành suy nghĩ so sánh, mong muốn sở hữu. Chắc hẳn bạn từng nhìn thấy trên một shop online số lượng chỉ còn 4 chiếc áo của mẫu đang hot nhất? Đó không phải là chỉ số hữu ích, đó là cách bán hàng hữu hiệu. Sản phẩm khan hiếm sẽ trở nên có giá trị cao hơn giá trị thực tế mà nó đem lại. Tận dụng ngay bí kíp này để đạt được mục đích bán hàng.

Thủ thuật số 3: Tâm lý học dựa trên sự lo lắng

Đây là một trong những cảm xúc mạnh mẽ nhất của con người. Những lời nhắc nhở, cảnh báo ít nhiều tác động đến hành động. Khách hàng không ai muốn chịu đựng tổn thất hay phần thiệt về mình. Việc khơi gợi tâm lý lo âu của họ cũng là cách hữu hiệu khiến họ lập tức hành động. Tâm lý học lo lắng làm cho khách hàng thấy sản phẩm này cần mua hơn bao giờ hết.

Dựa trên tâm lý lo lắng này, hãy xây dựng những quảng cáo phù hợp để khách hàng thấy được sự cần thiết của sản phẩm. Thay vì tạo ra nỗi sợ, tốt nhất bạn nên khai thác tâm lý lo âu có sẵn trong họ:

  • Minh chứng việc khách hàng không hành động là họ đang đối mặt với tác nhân gây bất lợi và không “chừa một ai”.

  • Giới thiệu sản phẩm như là một giải pháp nhanh chóng và hiệu quả.

  • Tạo sự tin tưởng để thuyết phục lòng trung thành của khách hàng.

Ví dụ: Thay vì nói: “Bạn sẽ bị ung thư da nếu không sử dụng loại kem chống nắng này”. Hãy nói “Kem chống nắng này sẽ bảo vệ bạn khỏi tia cực tím, ngăn ngừa nguy cơ ung thư da”.

Thủ thuật số 4: Tâm lý đáp trả

Chúng ta thường có xu hướng đáp trả lại những gì mà người khác tác động đến mình. Đây cũng là một trong những tâm lý học ứng dụng hiệu quả và phổ biến, bởi nó không những tạo thiện cảm với khách hàng mà còn giúp bạn tăng doanh thu ngoài sức tưởng tượng.

Bạn hãy thử áp dụng “chiêu” cho đi như: 

  • Ưu đãi mua 1 tặng 1, mua kèm giảm thêm, quà tặng kèm, thư cảm ơn, voucher vào những ngày chiến dịch khuyến mãi lớn, dịp lễ tết trong năm…

  • Tư vấn nhiệt tình và luôn sẵn lòng hỗ trợ khách hàng…

Từ đó, khách hàng sẽ nhận thấy điều bạn cho đi và họ sẽ đáp trả với bạn nhiều hơn những gì bạn cho họ.

Thủ thuật số 5: Tâm lý cấp bách 

Nhiều người có xu hướng cảm nhận giá trị cao hơn khi họ biết rằng sắp đến thời hạn cuối cùng của sự vật/sự việc đó. Khi tung chiến lược quảng cáo khiến khách hàng cảm thấy thích thú với sản phẩm nhưng lại thiếu tính cấp bách, họ sẽ suy nghĩ thêm hoặc để lúc khác mua. Thực tế khi tình huống này diễn ra, khách hàng có thể quên sản phẩm của bạn ngay sau đó hoặc không mua nữa. Để khách hàng không trì hoãn, bạn phải cung cấp yếu tố kích thích hay lý do để mua ngay lập tức. Một cách tạo sự cấp bách kinh điển chính là dựa vào tâm lý học ứng dụng sự sợ hãi. Hãy tận dụng nỗi sợ khi bỏ qua một món hời như ưu đãi/khuyến mãi/giảm giá kèm theo việc tung những thông điệp hấp dẫn như “Duy nhất hôm nay!”, “Ngày cuối cùng!”… Điều đó khiến khách hàng sợ bỏ lỡ ưu đãi nếu không mua liền tay.

Thủ thuật số 6: Tâm lý khuyến khích sự tưởng tượng

Nghe thì đơn giản nhưng đây là lại cách để khách hàng chọn sản phẩm của bạn thay vì đối thủ. Thực tế, khách hàng không được trực tiếp trải nghiệm sản phẩm trước quá trình mua hàng, họ có xu hướng hình dung sản phẩm thông qua hình ảnh, mô tả hoặc đánh giá sản phẩm. Hãy cố gắng sử dụng từ ngữ, hình ảnh khuyến khích trí tưởng tượng và truyền tải thông tin sản phẩm đến khách hàng rõ ràng và tích cực nhất. 

Thủ thuật số 7: Tâm lý bán hàng với thương hiệu uy tín

Mọi người luôn có xu hướng chú ý nhiều vào những điều tiêu cực, đáng tin cậy. Trong bán hàng, nếu mất uy tín với khách hàng dù chỉ một lần, nhiều khả năng họ sẽ không bao giờ mua hàng nữa. Ngược lại, nếu bạn xây dựng thương hiệu uy tín, bạn sẽ có những khách hàng trung thành. Khách hàng mong muốn mua sản phẩm từ một người có kinh nghiệm hay ít nhất một người bán hàng chuyên nghiệp. Do đó, bạn cần thể hiện sự chuyên nghiệp và tinh tế trong những nội dung, bố cục và thông điệp sản phẩm. Nếu sản phẩm của bạn truyền tải những thông tin đúng sự thật thì bạn sẽ có lòng tin của khách hàng hơn.

Những gợi ý trên đây,  hy vọng sẽ giúp bạn có thêm kiến thức về khả năng nhìn nhận khách hàng tiềm năng. Có thể bạn chưa phải là người có xuất phát điểm tốt, nhưng nếu hiểu sâu sắc về tâm lý học ứng dụng, chắc chắn việc bán hàng của bạn sẽ thành công.

Tham khảo thêm các bài viết khác tại đây.

Nội dung này có hữu ích với bạn không?

Đánh giá trung bình: 4 / 5. Số lượt đánh giá: 8

Nếu bạn thấy nội dung này hữu ích...

Hãy chia sẻ ngay với bạn bè nhé!

Ôi 🙁

Bạn có thể cho Tiki biết điểm nào khiến bạn chưa hài lòng được không?