Mô hình 4P - Nền tảng cốt yếu của chiến lược Marketing

Để thành công trong kinh doanh, mỗi một doanh nghiệp có thể sử dụng những cách Marketing khác nhau nhằm thu hút khách hàng quan tâm và lựa chọn sản phẩm của mình. Mô hình 4P Marketing dù ra đời đã lâu nhưng cho đến nay vẫn cho thấy hiệu quả của mình trong việc giúp các doanh nghiệp có thể cạnh tranh và tồn tại trong thị trường ngày càng nhiều đối thủ. Vậy ý nghĩa thật sự của 4P Marketing là gì, áp dụng như thế nào để thành công? Hãy để Tiki University bật mí ngay trong bài viết dưới đây nhé!

I. 4P TRONG MARKETING LÀ GÌ?

Mô hình Marketing hỗn hợp 4P (Marketing Mix) là một cụm từ chung được sử dụng để mô tả tất cả các hoạt động marketing mà doanh nghiệp triển khai trong toàn bộ quá trình một sản phẩm mới được đưa ra thị trường. Mô hình 4P trong Marketing bao gồm: Product (Sản phẩm), Price (Giá), Place (Phân phối), Promotion (Quảng bá).

Product (Sản phẩm)

Bạn hãy đảm bảo cung cấp đúng dòng sản phẩm phù hợp với nhu cầu của phân khúc thị trường mà bạn đang hoạt động. Để làm được điều đó, bạn cần suy nghĩ kỹ để xác định các đặc tính của sản phẩm hoặc dịch vụ đáp ứng nhu cầu của phân khúc khách hàng mục tiêu. Bạn nên tập trung phát triển danh sách sản phẩm hiện có bằng cách cải tiến sản phẩm, mở rộng và đa dạng dòng sản phẩm, ngành hàng đang kinh doanh. Xem thêm về Chiến thuật lựa chọn sản phẩm chủ lực trên sàn TMĐT.

Càng nhiều dòng sản phẩm sẽ mang lại khả năng thành công càng cao

Price (Giá cả)

Yếu tố này sẽ quyết định doanh thu, lợi nhuận và sự tồn tại của bạn. Một sản phẩm có mức giá thấp sẽ thu hút được lượng lớn khách hàng quan tâm nhưng lợi nhuận không cao. Giá cao sẽ mang đến nhiều lợi nhuận nhưng sẽ vô tình khiến khách hàng lựa chọn sản phẩm của đối thủ. Có 3 chiến lược định giá phổ biến hiện nay:

  • Chiến lược định giá thấp: Phù hợp với các sản phẩm hướng tới phân khúc khách hàng bình dân, dễ nhạy cảm với biến động của giá. Chiến lược giá này giúp tạo sự trung thành với khách hàng.

  • Chiến lược định giá dựa vào chi phí sản xuất: Thông thường một số nhà sản xuất xác định kỹ các khoản chi phí từ sản xuất đến thiết kế bao bì, vận chuyển… để định giá bán sao cho có lãi. Mức lãi sẽ có tỷ lệ thường từ 15 – 20% tổng giá trị sản phẩm.

  • Chiến lược định giá hớt váng: Được áp dụng cho sản phẩm mới, đặc biệt là các sản phẩm công nghệ cao và độc đáo, có chu kỳ sống ngắn. Khách hàng sẵn sàng chi trả mức giá này chủ yếu là những người đam mê thương hiệu, hàng mới về, muốn khẳng định giá trị bản thân thông qua việc sở hữu những thương hiệu toàn cầu. Ví dụ: Sản phẩm iPhone 12 có giá rất cao trong thời gian mới bán ra nhưng sau đó thì trở về mức giá ổn định và chỉ bằng 1/3 so với giá ban đầu.

Lựa chọn chiến lược định giá phù hợp là một yếu tố quan trọng

Place (Phân phối)

Hoạt động phân phối chính là việc đưa sản phẩm tới gần hơn khách hàng thông qua những kênh trung gian phân phối. Có 2 loại kênh phân phối phổ biến hiện nay:

  • Kênh phân phối trực tiếp: Nếu bạn là công ty/nhà sản xuất trực tiếp cung cấp sản phẩm cho khách hàng, bạn có thể sở hữu tất cả các yếu tố của kênh phân phối. Lợi ích của phương pháp này là bạn có toàn quyền kiểm soát sản phẩm, hình ảnh của nó ở tất cả các giai đoạn và trải nghiệm khách hàng.

  • Kênh phân phối gián tiếp: Một công ty sẽ sử dụng một kênh trung gian để bán sản phẩm cho khách hàng. Công ty có thể cung cấp hàng cho một nhà phân phối/nhà bán buôn/bán sỉ/cửa hàng bán lẻ. Điều này có thể làm tăng chi phí sản phẩm vì mỗi giao dịch trung gian sẽ nhận được phần trăm lợi nhuận của họ.

Promotions (Quảng bá)

Đây là bước giúp hoạt động mua bán diễn ra nhanh chóng và mang lại vị thế của gian hàng bạn trên sàn. Thông qua chiến lược quảng bá, khách hàng sẽ biết đến sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp nhiều hơn. Bạn có thể thực hiện các chương trình khuyến mãi bằng nhiều hình thức khác nhau như chạy quảng cáo, tham gia các chiến dịch, tạo các chương trình khuyến mãi Mua 1 tặng 1

Kết hợp các chương trình khuyến mãi để thu hút khách hàng 

II. 5 BƯỚC PHÁT TRIỂN CHIẾN LƯỢC MARKETING 4P

Bước 1: Xác định rõ bạn đang phân tích sản phẩm/dịch vụ nào

Hãy nêu rõ điểm độc đáo của sản phẩm vì đó sẽ là lý do bạn dùng để thuyết phục khách hàng sử dụng sản phẩm/dịch vụ của bạn.

Bước 2: Thấu hiểu khách hàng

Việc thấu hiểu khách hàng là điều không thể thiếu trong chiến lược Marketing 4P. Do đó, bạn cần xác định rõ khách hàng hiện tại, khách hàng mục tiêu của mình và tìm kiếm sản phẩm giải quyết được các vấn đề mà họ đang gặp phải. Xem thêm Phương pháp chăm sóc khách hàng online

Bước 3: Đề ra chiến lược giá phù hợp

Để đề ra được giải pháp về giá cả phù hợp, bạn cần tìm hiểu kỹ đối thủ cạnh tranh. Từ đó đánh giá và xác định vị trí sản phẩm cũng như giá trị thương hiệu của mình so với họ. Như vậy, mức giá bán bạn đưa ra sẽ khách quan và hợp lý hơn cho khách hàng.

Bước 4: Xác định điểm bán hàng độc nhất (Unique Selling Proposition – USP)

Đây là điểm riêng biệt mà chỉ có riêng sản phẩm/dịch vụ của bạn mới có được, giúp sản phẩm của bạn nổi bật hơn so với các đối thủ. Thông qua các khảo sát/xu hướng trên mạng xã hội, tìm cách đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, bạn sẽ xác định được đâu là đặc điểm hoặc tính năng chính của sản phẩm giúp nó được nhiều người yêu thích hơn.

Bước 5: Xây dựng thông điệp và phát triển chiến lược truyền thông

Dựa trên việc xác định đối tượng khách hàng tiềm năng và thiết lập mức giá bán cho sản phẩm, đến bước này, giải pháp truyền thông Marketing cần được thực hiện. Bạn cần vạch ra các bước đi rõ ràng và phối hợp các công cụ Marketing cho phù hợp. Tùy thuộc vào sản phẩm và khách hàng mục tiêu, chiến lược Marketing của bạn có thể thực hiện trên nhiều phương pháp khác nhau. Dưới đây là một số phương thức quảng cáo hữu hiệu bạn có thể áp dụng trong các chiến dịch Marketing:

  • Marketing trực tiếp (Direct Marketing): Tiếp cận trực tiếp với khách hàng tiềm năng thông qua livestream, các bài đăng trên mạng xã hội (tham khảo TikiFeed) hoặc duy trì mối quan hệ với khách hàng đã từng mua hàng tại gian hàng của bạn. 

  • Quảng cáo (Advertising): Giới thiệu cho khách hàng tiềm năng các sản phẩm mới thông qua dịch vụ quảng cáo (tham khảo Tiki Ads) hoặc Google/Facebook Ads.

  • Các chương trình khuyến mãi (Sales Promotion): Khuyến khích sử dụng sản phẩm của bạn thường xuyên hơn và thu hút khách hàng mới, thông qua các chương trình giảm giá, chiến dịch khuyến mãi theo ngành hàng trên sàn TMĐT.

  • Truyền miệng (Word of mouth): Nâng cao nhận thức về thương hiệu, thông qua lời giới thiệu của người thân/bạn bè, đánh giá tốt từ người mua trước và các phương tiện truyền thông xã hội.

Ở bài viết này, Tiki University hy vọng sẽ giúp bạn có thêm kiến thức về mô hình 4P trong Marketing và biết cách áp dụng thực chiến các chiến lược này nhé!

Tham khảo thêm các bài viết khác tại đây.

Nội dung này có hữu ích với bạn không?

Đánh giá trung bình: 2.5 / 5. Số lượt đánh giá: 8

Nếu bạn thấy nội dung này hữu ích...

Hãy chia sẻ ngay với bạn bè nhé!

Ôi 🙁

Bạn có thể cho Tiki biết điểm nào khiến bạn chưa hài lòng được không?

Gửi hàng vào kho - Số về siêu to với mô hình FBT